Xác nhận liệt sĩ

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 06/09/2016

Theo phản ánh của ông Lê Quý Chúc (TP. Hải Phòng), mẹ đẻ của ông Chúc là cụ Trần Thị Nụ, có 2 con là liệt sĩ, trong đó có liệt sĩ Trần Văn Tiến là người con trước khi mẹ ông tái giá, được cậu ruột ở tỉnh Bắc Giang nuôi dưỡng từ nhỏ. Liệt sĩ Tiến hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp và gia đình người cậu đã hưởng chế độ đối với thân nhân liệt sĩ. Từ năm 2002, khi vợ chồng người cậu chết thì chế độ, chính sách cũng bị cắt hưởng, giấy tờ liên quan đến liệt sĩ cũng bị thất lạc. Hiện nay, liệt sĩ Tiến đang được một người trong họ ở TP. Bắc Giang thờ cúng. Từ năm 2013, gia đình ông Chúc đã liên hệ với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang đề nghị cấp giấy xác nhận liệt sĩ, nhưng không được giải quyết với lý do Sở không có hồ sơ của liệt sĩ Tiến. Sau đó, gia đình ông Chúc đã cung cấp các thông tin của liệt sĩ để Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang xác minh, tuy nhiên đến nay gia đình vẫn không nhận được hồi âm. Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Chúc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xác nhận về trường hợp liệt sĩ Trần Văn Tiến, cấp Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ, giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ cho gia đình, xem xét truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ đẻ ông.

    • Cuối năm 2013, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang đã nhận được đơn của ông Lê Tiến Dũng đề nghị xác nhận liệt sĩ Trần Văn Tiến để làm căn cứ lập hồ sơ truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho cụ Trần Thị Nụ.

      Sau khi tra cứu hồ sơ liệt sĩ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang không thấy có hồ sơ liệt sĩ Trần Văn Tiến, mẹ là Trần Thị Nụ, cậu ruột là Trần Đình Khiêm, mợ là Đào Thị Nguyệt ở phường Mỹ Độ, thành phố Bắc Giang.

      Ngày 18/11/2013, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang có công văn số 1710/LĐTBXH-NCC đề nghị Cục Người công (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tra cứu cung cấp hồ sơ trích lục của liệt sĩ Trần Văn Tiến (nếu có) để giải quyết việc ông Lê Tiến Dũng đề nghị nhưng đến nay Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang chưa nhận được ý kiến trả lời của Cục Người có công.

      Theo đơn ông trình bày, liệt sĩ Trần Văn Tiến đã có tên trong sổ quản lý danh sách liệt sĩ chống Pháp lưu tại UBND phường Mỹ Độ và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang. Ngày 14/11/2013 Phòng Chính Trị - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang có giấy xác nhận số 122/GXN-PCT xác nhận danh sách thời kỳ kháng chiến chống Pháp số thứ tự 08 lưu tại Ban Chính sách – Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang có tên liệt sĩ Trần Văn Tiến, quê quán phường Mỹ Độ, nhập ngũ tháng 4/1950, thân nhân là Đào Thị Nguyệt, ở cụm 2, phường Mỹ Độ.

      Ngoài ra, trong đơn đề nghị xác nhận liệt sĩ ngày 12/11/2013 của ông Trần Thái Toàn là con của ông Trần Đình Khiêm và bà Đào Thị Nguyệt có xác nhận của UBND phường Mỹ Độ về việc trong sổ theo dõi tuất thân nhân liệt sĩ có tên liệt sĩ Trần văn Tiến và thân nhân là bà Đào Thị Nguyệt. Nhưng trong sổ danh sách liệt sĩ thời kỳ chống Pháp phường Mỹ Độ lưu tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang chưa thấy có ghi số Bằng Tổ quốc ghi công của Thủ tướng Chính phủ cấp cho liệt sĩ Trần Văn Tiến và hồ sơ liệt sĩ.

      Trong 3 thời kỳ cách mạng: Trước Cách mạng tháng 8/1945, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, do nhiều nguyên nhân khách quan khác nhau và tồn sót các trường hợp hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chưa được lập hồ sơ, thủ tục xác nhận liệt sĩ, bị thương chưa được lập hồ sơ giải quyết chế độ thương binh.

      Vì vậy, ngày 7/3/2001 Chính phủ có Công văn số 150/CP-VX chỉ đạo việc hoàn thành công tác xác nhận người có công với cách mạng trong 3 thời kỳ. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 09/2001/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc thực hiện; tiếp theo ngày 11/9/2012, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có Thông tư số 14/2012/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thủ tục hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với một số trường hợp tồn sót trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến.

      Thực hiện Công văn số 150/CP-VX ngày 7/3/2001 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ngành liên quan, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang đã phối hợp cùng các ngành chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, phổ biến và thực hiện rà soát các trường hợp hy sinh trong kháng chiến chưa được cấp Bằng Tổ quốc ghi công xác nhận là liệt sĩ, hướng dẫn các gia đình có thân nhân hy sinh lập bản khai và thực hiện quy trình xét duyệt từ cấp xã đến cấp tỉnh đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công xác nhận là liệt sĩ.

      Sau gần 3 năm thực hiện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang đã báo cáo và được UBND tỉnh đồng ý có Công văn số 1252/CV-CT ngày 3/9/2003 đề nghị và được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 350/QĐ-TTg ngày 26/4/2005 cấp Bằng Tổ quốc ghi công, xác nhận 292 trường hợp là quân nhân, công an nhân dân, thanh niên xung phong, du kích hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các thời kỳ cách mạng là liệt sĩ.

      Về trường hợp hy sinh của liệt sĩ Trần Văn Tiến, Thủ tướng Chính phủ chưa cấp Bằng Tổ quốc ghi công xác nhận là liệt sĩ thuộc diện tồn đọng đã nêu ở trên cần xác lập lại các thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công xác nhận là liệt sĩ.

      Ngày 9/4/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Điều 17 quy định điều kiện xác nhận liệt sĩ, Điều 18 quy định trách nhiệm lập hồ sơ, cấp giấy báo tử và xác nhận liệt sĩ, trong đó đối với người hy sinh là quân nhân, công nhân viên quốc phòng do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên cấp Giấy báo tử.

      Ngày 22/10/2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, không còn giấy tờ. Tại khoản 1, Điều 3, Chương II quy định căn cứ xác nhận liệt sĩ “Danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh, hoặc giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31/12/1994 trở về trước có ghi nhận là liệt sĩ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu”. Tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH quy định thủ tục xác nhận và trách nhiệm của cấp xã, của các cơ quan chức năng trong việc xác nhận liệt sĩ đối với người hy sinh thuộc lực lượng quân đội, công an.

      Như vậy, trong danh sách liệt sĩ chống Pháp của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang có tên liệt sĩ Trần Văn Tiến, quê quán phường Mỹ Độ, thành phố Bắc Giang, nhập ngũ tháng 4/1950, thân nhân là Đào Thị Nguyệt ở cụm 2, phường mỹ Độ là có căn cứ xác nhận liệt sĩ Trần Văn Tiến và trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công.

      Để được xác nhận, đề nghị ông liên hệ với UBND phường Mỹ Độ để được hướng dẫn lập thủ tục theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP và đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Khi nào Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Trần Văn Tiến và cơ quan có thẩm quyền chuyển hồ sơ liệt sĩ Trần Văn Tiến về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang thì Sở sẽ giải quyết tiếp các chính sách theo quy định và hướng dẫn gia đình làm các thủ tục đề nghị truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng đối với cụ Trần Thị Nụ (nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn).

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn