Bơm nước vào gia súc trước khi mổ có bị xử phạt hành chính không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 21/11/2022

Bơm nước vào gia súc trước khi mổ có bị xử phạt hành chính không? Có được chăn thả gia súc trên đường không? Thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống gia súc như thế nào?

Chào Ban biên tập, tôi có vấn đề cần được giải đáp. Nhà tôi có chăn nuôi gia súc chỉ là ngày 20/11 tôi phải mổ heo để xóm tôi cúng nhưng heo chưa đạt đủ trọng lượng để mổ. Tôi tính bơm nước vào để tăng trọng lương cho heo rồi giết mổ. Cho tôi hỏi với hành vi này có bị xử phạt không?

Rất mong được Ban biên tập giải đáp, tôi cảm ơn.

    • Bơm nước vào gia súc trước khi mổ có bị xử phạt hành chính không?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Bơm nước vào gia súc trước khi mổ có bị xử phạt hành chính không?

      Tại Khoản 10 Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi như sau:

      10. Sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại.

      Theo Khoản 4, 5 và 6 Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn như sau:

      4. Hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị xử phạt như sau:

      a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm dưới 100 kg;

      b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 100 kg đến dưới 500 kg;

      c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 500 kg đến dưới 1.000 kg;

      d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 1.000 kg trở lên.

      5. Hình thức xử phạt bổ sung:

      a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi phá hoại hoạt động chăn nuôi được quy định tại khoản 3 Điều này;

      b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

      6. Biện pháp khắc phục hậu quả

      Buộc xử lý nhiệt đối với động vật thuộc hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này; trường hợp tái phạm thì buộc tiêu hủy.

      Căn cứ Khoản 2 Điều 5 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền:

      2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

      Như vậy, theo quy định trên hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ được coi là một hành vi gian lận thương mại và đây là một hành vi bị cấm. Bạn muốn bơm nước vào người những con heo mà bạn chuẩn bị giết mổ để cho đủ trọng lượng thì bạn vi phạm pháp luật.

      Số tiền để xử phạt hành vi này sẽ phụ thuộc vào tổng khối lượng động vật vi phạm là bao nhiêu, có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Ngoài ra, bạn sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 06 tháng và buộc phải xử lý nhiệt đối với những con heo mà bạn đã bơm nước.

      2. Có được chăn thả gia súc trên đường không?

      Tại Khoản 2 Điều 35 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định các hoạt động khác trên đường bộ như sau:

      2. Không được thực hiện các hành vi sau đây:

      a) Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;

      b) Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;

      c) Thả rông súc vật trên đường bộ;

      d) Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;

      đ) Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;

      e) Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;

      g) Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;

      h) Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;

      i) Hành vi khác gây cản trở giao thông.

      Do đó, theo quy định trên người chăn nuôi gia súc không được chăn thả gia súc trên đường vì đây là hành vi gây cản trở giao thông. Nếu người chăn nuôi gia súc vẫn chăn thả gia súc của mình trên đường thì sẽ bị xử phạt hành chính.

      3. Thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống gia súc như thế nào?

      Theo Điều 14 Luật Chăn nuôi 2018 quy định thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi như sau:

      1. Tổ chức, cá nhân thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

      2. Nội dung thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bao gồm:

      a) Điều tra, khảo sát và thu thập nguồn gen giống vật nuôi;

      b) Đánh giá nguồn gen giống vật nuôi theo các chỉ tiêu sinh học và giá trị sử dụng;

      c) Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen giống vật nuôi;

      d) Bảo vệ và duy trì nguồn gen giống vật nuôi;

      đ) Sử dụng nguồn gen giống vật nuôi đã được đánh giá, xác định giá trị sử dụng vào hoạt động chọn, tạo và nhân giống vật nuôi.

      3. Phương thức bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.

      4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan trình Chính phủ quy định việc thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp.

      Trên đây là những quy định về thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn