Điều kiện để người bán dâm bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 09/09/2016

Hồi 20h ngày 20/5/2005, Công an xã X, huyện Y, tỉnh H khi kiểm tra nhân khẩu tạm trú tại nhà nghỉ Hương Quỳnh đã phát hiện một đôi trai gái đang quan hệ tình dục tại phòng số 2 của nhà nghỉ. Khi kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của đôi trai gái trên thì thấy người con gái có tên là Nguyễn Thị H 20 tuổi, là người địa phương (chưa có tiền án, tiền sự), hiện làm nhân viên lễ tân của nhà nghỉ Hương Quỳnh, còn người con trai có tên là Trần Văn K, hiện thường trú tại xã Z. Đôi trai gái nêu trên tỏ ra rất lúng túng khi bị cán bộ thi hành công vụ hỏi về mối quan hệ của họ. Sau một hồi quanh co, Trần Văn K đã khai nhận phải trả 250.000 đồng cho chủ nhà nghỉ Hương Quỳnh là Bùi Thị Q để được quan hệ tình dục với cô Nguyễn Thị H. Nguyễn Thị H khai: vì nhà nghèo nên đã đồng ý quan hệ tình dục với anh K theo sự môi giới của Bùi Thị Q sau khi nhận 150.000 đồng từ Q (đây là lần đầu Nguyễn Thị H bán dâm). Công an xã X cần xử lý vụ việc trên như thế nào?

    • Đây là tình huống vi phạm Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003, đồng thời có dấu hiệu vi phạm Điều 254 Bộ luật Hình sự năm 1999, thường xảy ra ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Để xử lý tình huống trên đúng pháp luật, cần vận dụng các quy định về thẩm quyền của Công an xã trong việc xử lý vi phạm, được quy định trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm năm 2003, Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm.

      Có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với Nguyễn Thị H và xử lý đối với Trần Văn K, Bùi Thị Q không?

      - Đối với Nguyễn Thị H, cần xác định có đủ điều kiện để được coi là người bán dâm không.
      Khoản 4 điều 18 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định: “Người bán dâm có tính thường xuyên từ đủ 14 tuổi trở lên thì bị áp dụng giáo dục tại xã, phường, thị trấn...”. Theo thực tế vụ việc, Nguyễn Thị H 20 tuổi, chưa có tiền án, tiền sự, có hộ khẩu thường trú tại xã X, huyện Y, tỉnh H. Đây là lần đầu tiên H thực hiện hành vi bán dâm theo sự môi giới của Bùi Thị Q. Đối chiếu hành vi vi phạm của H với quy định nêu trên, ta thấy không đủ điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với Nguyễn Thị H.

      - Đối với Trần Văn K, đã bỏ ra 250.000 đồng để được quan hệ tình dục với Nguyễn Thị H. Đối chiếu hành vi với quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 và khoản 1 Điều 17 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP cho thấy Trần Văn K đã thực hiện hành vi mua dâm. Khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm quy định: “Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”. Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định: “Người nào có hành vi mua dâm thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng”.

      - Đối với chủ nhà nghỉ Hương Quỳnh đã sử dụng cơ sở kinh doanh lưu trú của mình để thực hiện việc mua, bán dâm. Khoản 4 Điều 3 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 quy định: “Chứa mại dâm là hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc mua dâm, bán dâm”. Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định: Cho thuê, cho mượn địa điểm, phương tiện để hoạt động mại dâm là hành vi của tổ chức, cá nhân có quyền quản lý, chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản mà cho thuê, cho mượn để hoạt động mại dâm. Khoản 1 Điều 254 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “Người nào chứa mại dâm thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm”. Đối chiếu hành vi của Bùi Thị Q với các quy định nêu trên, có thể thấy Bùi Thị Q đã thực hiện hành vi chứa mại dâm.

      Thẩm quyền xử lý vụ việc

      Theo khoản1 Điều 11 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004: “Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XII đến Chương XXII của Bộ luật Hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan an ninh điều tra trong Công an nhân dân”. Như vậy, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Y có thẩm quyền xử lý vụ việc vi phạm pháp luật tại nhà nghỉ Hương Quỳnh. Khoản 6 Điều 14 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định: “Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm phải xử phạt đúng thẩm quyền, đối với những vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý hoặc có dấu hiệu tội phạm thì phải tiến hành lập biên bản và chuyển giao biên bản cùng các tài liệu có liên quan, tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có) đến cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền”.

      Các bước mà Công an xã X cần tiến hành trong phạm vi thẩm quyền của mình

      - Lập biên bản vi phạm hành chính đối với Nguyễn Thị H, Trần Văn K và Bùi Thị Q về hành vi mua, bán dâm và chứa mại dâm;

      - Báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND xã X ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với Nguyễn Thị H, Trần Văn K và Bùi Thị Q;

      - Chuyển giao biên bản cùng các tài liệu có liên quan, tang vật (nếu có), đối tượng vi phạm đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Y.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn