Mua bán con dấu bị phạt bao nhiêu tiền?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 05/07/2022

Mua bán con dấu bị phạt bao nhiêu tiền? Có bị đi tù khi mua bán con dấu không?

Chào Luật sư, em có vấn đề này cần được giải đáp ạ. Em thấy con dấu là một phương tiện đặc biệt, quan trọng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay của các doanh nghiệp. Em biết là pháp luật cũng quản lý chặt chẽ về những quy định liên quan đến con dấu. Nếu như có người có hành vi mua bán con dấu của một doanh nghiệp nào đấy thì bị xử phạt như nào vậy ạ? Luật sư giải đáp vấn đề này giúp em, em xin chân thành cảm ơn ạ.

    • Mua bán con dấu bị phạt bao nhiêu tiền?

      Tại Khoản 3, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu như sau:

      3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

      a) Không giao nộp con dấu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đăng ký mẫu con dấu;

      b) Đóng dấu vào văn bản, giấy tờ chưa có chữ ký của người có thẩm quyền hoặc có chữ ký của người không có thẩm quyền;

      c) Mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, mua bán con dấu, tiêu hủy trái phép con dấu; sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức khác để hoạt động;

      d) Sử dụng con dấu hết giá trị sử dụng;

      đ) Cố ý làm biến dạng, sửa chữa nội dung con dấu đã đăng ký;

      e) Làm giả Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu;

      g) Sử dụng con dấu chưa đăng ký mẫu con dấu;

      h) Không nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực về việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Giấy phép hoạt động hoặc bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc giao nộp con dấu theo quy định của pháp luật;

      i) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu.

      5. Hình thức xử phạt bổ sung:

      a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm c, e và g khoản 3 và các điểm a và b khoản 4 Điều này;

      b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này.

      Biện pháp khắc phục hậu quả:

      a) Buộc nộp lại con dấu, Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2; các điểm a, d và đ khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều này;

      b) Buộc hủy bỏ văn bản, giấy tờ đóng dấu sai quy định đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

      c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều này;

      d) Buộc nộp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm i khoản 3 Điều này.

      Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền:

      2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

      Như vậy, hành vi mua bán con dấu sẽ bị phạt hành chính từ 3.000.000 đồng và 5.000.000 đồng. Ngoài ra có hình thức phạt bổ sung là tịch thu con dấu và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp từ việc mua bán con dấu trái phép.

      Có bị đi tù khi mua bán con dấu không?

      Theo Điều 342 Bộ luật hình sự 2015 được bổ sung bởi Điểm p Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức như sau:

      1. Người nào chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

      2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

      a) Có tổ chức;

      b) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng trở lên;

      c) Để thực hiện hành vi trái pháp luật;

      d) Tái phạm nguy hiểm.

      3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

      Do đó, ngoài bị xử phạt hành chính ra hành vi mua bán con dấu có thể bị đi tù từ 03 tháng đến 02 năm.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn