Vi phạm luật giao thông đường bộ?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Vào ngày 16/10/2014 trong lúc em đang điều khiển xe máy để đi làm và quên không đội mũ bảo hiểm. Khi e vừa vào đến công ty. Vừa xuống xe bấm thẻ thì em được công an xã và công an giao thông mời ra để lập biên bản ... về hành vi không đội mũ bảo hiểm và tạm dữ giấy phép lái xe 7 ngày. Sau khi em bị phạt, em nghe đồng nghiệp làm chung bảo em là công an xã với giao thông đón bắt xe ở ngay đầu khu công nghiệp, cách công ty em làm 600m ... Em mới tự nghĩ là sao em không hiểu lý do bị phạt... Nếu em không đội mũ bảo hiểm tại sao không bắt em ở ngoài mà đi theo em đến công ty mới bắt... Trong lúc em không biết có công an đi theo sau... Nên em muốn hỏi là: công an đúng hay sai, và công an phạt em dựa vào đâu... luật nào điều mấy? Nếu như công an làm đúng thì cái lỗi không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt tiền là bao nhiêu? Giấy tờ xe đầy đủ chỉ có một lỗi là không đội mũ bảo hiểm.
    • Chào bạn, Liên quan tới câu hỏi của bạn Công ty luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp xin trả lời như sau:

      - Tại khoản 3, Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định như sau:

      Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

      i) Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;

      - Cũng tại Nghị định nêu trên, tại khoản 2, Điều 68 có quy định:

      Cảnh sát giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm được quy định trong Nghị định này như sau:

      a) Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ của người và phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ được quy định tại Nghị định này;

      b) Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 4, Khoản 5 Điều 15 Nghị định này.

      - Tại khoản 2, Điều 75 Nghị định 171 có quy định:

      Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại Khoản 6, Khoản 8 Điều 125 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại Khoản 6 Điều 125 của Luật xử lý vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.

      - Thêm vào đó tại điều 6. Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau:

      Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

      Vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế;

      Như vậy thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông là 1 năm kể từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm (Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc ) hoặc tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm (Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện).

      Như vậy việc cảnh sát giao thông đường bộ tới cơ quan bạn để lập Biên bản hành vi vi phạm và giữ giấy tờ xe là đúng theo các quy định pháp luật. Và mức phạt mà bạn phải nộp trong trường hợp này là từ 100.000 đến 200.000 đồng.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn