Xử phạt khi không cứu giúp người gặp tai nạn giao thông

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 13/02/2017
Không cứu giúp người gặp tai nạn bị phạt thế nào?
    • Theo Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông:

      “2. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

      a) Bảo vệ hiện trường;

      b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;

      c) Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;

      d) Bảo vệ tài sản của người bị nạn;

      đ) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

      3. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này…”.

      Để các quy định nói trên được áp dụng vào thực tế một cách hiệu quả, pháp luật cũng quy định việc xử lý người có hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông, cụ thể:

      Theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 11, Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, cá nhân, tổ chức có hành vi: “Không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu” có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

      Trong trường hợp người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo quy định tại Điều 102 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với hình phạt cao nhất lên đến năm năm tù.

      Như vậy, khi chứng kiến một vụ tai nạn giao thông người dân phải có trách nhiệm bảo vệ hiện trường; giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn